Wednesday, August 15, 2012

Đỗ Thị Đông Xuân: Mãi trăn trở với người nông dân Việt

Cuối tháng 8 này, Hội thảo Việt – Hung lần thứ 7 sẽ được tổ chức tại Việt Nam với chủ đề là "Hệ thống canh tác sinh Thái”. TS. Đỗ Thị Đông Xuân, người đã mang giống gà sao từ Hungary về Việt Nam sẽ trở lại Việt Nam để tham dự hội thảo. 
Giống gà sao mà TS. Đỗ Thị Đông Xuân đem về đang được chăn nuôi rất phổ biến ở nước ta
Theo TS. Đỗ Thị Đông Xuân, hội thảo Việt – Hung được tổ chức lần đầu tiên năm 1998 về khoa học chăn nuôi gia súc, tiểu gia súc và thủy sản. Từ đó đến nay, cứ hai năm một lần, hội thảo được tổ chức và các trường, viện ở Việt Nam và Hungary trong mạng lưới luân phiên đăng cai tổ chức. Năm nay, Đại học Cần Thơ sẽ là nơi gặp gỡ của các nhà khoa học từ khắp nơi trên thế giới tâm huyết với sự phát triển, tiến bộ trong lĩnh vực nông nghiệp vốn đóng vai trò quan trọng đối với sự sống của con người trên trái đất.

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, ba mẹ đều là "những người kháng chiến hai mùa”, nghĩa là tham gia cả kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, bản thân Đỗ Thị Đông Xuân năm 14 tuổi cũng tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Tuổi nhỏ, cô bé Đông Xuân hồi ấy cũng cống hiến cho Tổ quốc theo cách của riêng mình, cô là thư ký đánh máy kiêm văn thư cho Bộ trưởng Bộ Văn hóa Lưu Hữu Phước. Năm 1971, Đông Xuân vượt Trường Sơn ra ngoài Bắc theo chương trình "Gieo hạt giống đỏ” dành cho con em cán bộ cách mạng. Nỗ lực học tập, Đỗ Thị Đông Xuân thi đỗ đại học với số điểm cao, được Nhà nước cử sang Hungary du học về nông nghiệp.

Tâm sự về quãng thời gian này, TS. Đỗ Thị Đông Xuân bảo thực ra ban đầu mình không hề thích theo ngành nông nghiệp. Nhưng, càng học bà càng thấy bị cuốn hút bởi nó rất thiết thực và cần thiết, lại có tính ứng dụng cao trong thực tiễn... Năm 1988, bà bắt đầu tiếp nhận công việc ở Trung tâm chăn nuôi gia cầm Hungary và có cơ hội về Việt Nam làm việc với trường Đại học Nông nghiệp TP. Hồ Chí Minh. Năm 1996, bà làm việc với trường Đại học Cần Thơ và đến năm 1998 thì thường xuyên có những hoạt động tại Việt Nam.

Thời điểm năm 1999, TS. Đông Xuân bắt đầu chuyển những giống gia cầm có nguồn gen quý của Hung về Việt Nam. Trước đó, bà đã dày công nghiên cứu kỹ đặc điểm thời tiết, khí hậu... của hai nước để tìm ra những điểm tương đồng, từ đó mạnh dạn mang về quê hương những giống gia cầm dễ nuôi để nuôi thử nghiệm, chẳng hạn giống gà cổ trọc, gà lông màu, gà vàng khung, gà khoang, chấm sao...

Lý do bà chọn những loại gà này là vì chúng không phải là giống gà công nghiệp mà có thể được nuôi trong dân gian, hộ gia đình cá thể vì xét đặc điểm nông nghiệp nước ta thời gian đó vẫn chủ yếu là các hộ chăn nuôi cá thể. Từ những thử nghiệm bước đầu đó, năm 2000 bà chuyển về Việt Nam giống gà sao đầu tiên. Với đặc điểm chất lượng thịt cao, dễ nuôi, mau lớn và có thể đưa về nông thôn, vùng sâu, vùng xa để phát triển cho bà con nông dân, giống gà sao hiện đang được chăn nuôi rất phổ biến ở nước ta. Ở Tiền Giang có ông Hai Lực được gọi là "vua gà sao” đã thực hiện thành công việc nuôi gà sao. Từ một nông dân nghèo, hiện ông đã trở thành người giàu có và lập một hệ thống vệ tinh những người chăn nuôi giống gà này cùng với ông. Ông cũng tổ chức thu mua lại và đem vào lò mổ... Với cách làm khép kín, đảm bảo như vậy, sản phẩm làm ra đảm bảo chất lượng, được người tiêu dùng ưa thích. Quan trọng hơn, ngườidân cũng có công ăn việc làm và không phải bỏ quê lên phố. Có lẽ đó cũng là một cách làm hay để góp phần giảm tải tình trạng quê nhà thì trống vắng, thành phố lại quá tải. "Nếu người nông dân có công ăn việc làm ổn định, cho thu nhập tốt thì không cần phải bỏ ra thành phố. Cuộc sống của họ khi ấy sẽ đỡ vất vả, khổ cực hơn biết bao nhiêu bởi phải xa quê, sống nơi xa lạ đâu có sung sướng gì” – bà Đông Xuân trăn trở.

Luôn suy nghĩ làm gì để cuộc sống người nông dân Việt Nam được tốt hơn, TS. Đông Xuân chia sẻ sắp tới bà muốn triển khai dự án làm sao để có được thực phẩm sạch, an toàn. Để phát triển chương trình này khi chăn nuôi phải kiểm tra theo đúng quy trình từ lúc bắt đầu nuôi đến khi đưa ra thành phẩm sạch. Điểm khác biệt trong dự án của bà là trong khi người ta thường làm trong hệ thống công nghiệp nhưng với đặc thù của nước ta cần làm thế nào để người dân cũng có thể tham gia vào. "Dưới sự kiểm tra của chuyên gia, chúng ta đem giống cho người nông dân chăn nuôi. Họ sẽ lấy công làm lãi và nuôi theo quy trình an toàn, sạch. Họ sẽ không phải lo về đầu ra, nếu có dịch bệnh cũng sẽ được hỗ trợ... Có như thế người nông dân mới thực sự yên tâm làm nghề. Từ đó, nền nông nghiệp của chúng ta mới phát triển được” – TS. Đỗ Thị Đông Xuân, người phụ nữ Việt hiện đang sinh sống và làm việc tại Hungary nhưng luôn đau đáu với quê hương Việt chia sẻ. 


Theo Báo Đại đoàn kết

0 comments:

Post a Comment